Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Tình hình ứng dụng công nghệ mã số mã vạch ở Việt Nam

Năm 1995, Thấy rõ lợi ích của công nghệ mã số mã vạch, đồng thời để đáp ứng nhu cầu của một số doanh nghiệp cần sử dụng mã số mã vạch trên sản phẩm xuất khuẩu theo yêu cầu của bạn hàng nước ngoài, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đề nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham gia EAN quốc tế nhằm đưa công nghệ mã số mã vạch vào ứng dụng ở nước ta (Công văn số 3395/QHQT ngày 23 tháng 6 năm 1995 của Văn phòng Chính phủ). Từ đó đến nay công nghệ mã số mã vạch EAN bước đầu được áp dụng ở nước ta.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép tham gia EAN quốc tế. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ mã số mã vạch vào nước ta; tiến hành quản lý ngân hàng mã số quốc gia với số đầu là 893 do EAN quốc tế cấp cho Việt Nam và cấp mã số cho các doanh nghiệp; đồng thời thực hiện vai trò đại diện cho Việt Nam tại EAN quốc tế và cũng là đại diện của EAN quốc tế tại Việt Nam.
Tính đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 10 tiêu chuẩn Việt Nam về mã số mã vạch trên cơ sở chấp nhận các tiêu chuẩn của EAN quốc tế và đã cấp mã số cho hơn 1600 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau. Các doanh nghiệp này đã sử dụng mã số EAN trên hàng vạn sản phẩm để bán trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công gnhệ mã số mã vạch còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác ở nước ta như hàng không, bưu điện, y tế, xuất bản...
Tuy nhiên, việc ứng dụng và quản lý công nghệ mã số mã vạch ở nước ta còn có những tồn tại sau đây:
- Việc ứng dụng công nghệ mã số mã vạch mới chỉ dừng ở việc cấp mã số doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp in ấn số mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ bán hàng, chưa triển khai ứng dụng các loại mã số mã vạch trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử (EDI- Electronic Data Interchange) và phân định các bên đối tác trong giao dịch sản xuất, kinh doanh (chuỗi cung cấp). Số lượng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mã số mã vạch chiếm tỷ lệ thấp, số lượng hàng hoá của Việt Nam sử dụng mã số mã vạch chưa nhiều.
- Chưa có biện pháp hữu hiệu để đẩy mạnh việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng rộng rãi mã số mã vạch trong lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân cũng như các ngành dịch vụ và văn hoá xã hội. Việc ứng dụng công nghệ mã số mã vạch chậm, chưa có nhiều hiệu quả, việc ứng dụng đôi khi tự phát, tản mạn, chưa có sự hướng dẫn về công nghệ và kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước nên đôi khi các doanh nghiệp đã nhập phải các thiết bị in đọc và phần mềm mã số mã vạch lạc hậu so với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.
Có thể nói, việc quản lý và ứng dụng công nghệ mã số mã vạch thời gian qua tuy có bước tiến bộ ban đầu, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập về kinh tế với khu vực và thế giới.
- Hoạt động mã số mã vạch chưa được quản lý thống nhất. Như đã trình bày ở trên, từ năm 1995 đến nay Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được EAN quốc tế cấp mã số quốc gia, tiến hành việc quản lý ngân hàng mã số quốc gia cho các doanh nghiệp. Từ sau khi được thành lập (cuối năm 1999) đến nay, hội Khoa học- kỹ thuật mã số mã vạch Việt Nam cũng thực hiện cấp mã số cho khoảng 500 doanh nghiệp một cách biệt lập nên gây ra nguy cơ cấp trùng, làm cho các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lúng túng, còn tổ chức EAN quốc tế phải lo ngại do không bảo đảm được tính đơn nhất của hệ thống mã EAN.
Để tăng cường hiệu lực quản lý và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mã số mã vạch ở Việt Nam phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập với nền kinh tế xã hội và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, ngày 27/3/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2002/QĐ- TTg quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch, trong đó có việc quản lý ngân hàng mã số quốc gia, cấp mã số cho các doanh nghiệp, thực hiện hợp tác quốc tế về Mã số mã vạch, và giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động mã số mã vạch trên phạm vi cả nước.
Mặc dù có Quyết định số 45/2002/QĐ- TTg nêu trên, cho đến nay tình trạng hai tổ chức cùng tiến hành cấp mã số mã vạch cho các doanh nghiệp vẫn chưa được chấm dứt, gây khó khăn cho việc thống nhất quản lý nhà nước và áp dụng các biện pháp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ mã số mã vạch vào các lĩnh vực kinh tế- xã hội.
Theo KH&PT
nguon: http://www.tcvn.gov.vn/default.asp?action=article&ID=754

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét